1/12/10

Lục bát trẻ - "Rừng ong đổ mật..." - phê bình - miên di

cám ơn anh miên di đã có bài phê bình nhắc đến thơ rêu.., rêu xin cóp lại làm tư liệu.


Lục bát trẻ - "Rừng ong đổ mật..." - phê bình - miên di



Bài đã đăng T.C.V.N.G.L - số 153

(Xin cảm ơn Lê Vi Thủy, Trịnh Sơn và các bạn văn khác, đã gửi những thông tin về các tác giả trẻ, để viết bài viết nhỏ này).






Trên dòng đổi thay này, người ta có thể quên đi nhiều thứ, nhưng những gì thuộc về tâm hồn thì không. Bởi tâm hồn vốn là một cõi miền không cần lưu mà vẫn giữ, không cần thuộc mà chẳng thể quên. Vì thế Lục bát tuy cũ đấy mà vẫn mới tinh, tuy cổ kính đấy mà vẫn bồi hồi đương đại… Bởi Lục bát, không biết từ lúc nào đã thuộc về tâm hồn người Việt.

Trong bài viết, cụm từ “Lục bát trẻ”, xin không hiểu theo nghĩa tuổi tác. Những cái tên: Hương Đình, Vũ Thanh Hoa, Nguyễn Đức Phú Thọ, Hoàng Anh Tuấn, Lê Thị Kim Sơn, Nguyễn Lãm Thắng, Thúy Cỏ, Vũ Thu Huế, Trịnh Sơn, Thuận Nghĩa, Khúc Hồng Thiện, Lê Vi Thủy, Rêu, Nguyên Nguyên,… có thể cách tuổi nhau bằng thế hệ, nhưng mỗi người trong họ, đã mang đến cho lục bát những cảm thức đương đại, những thủ pháp thơ lạ và cả những hoài niệm xưa vắng, thân thương. Với góc nhìn hạn hẹp của người viết, chưa thể nói lên được một bức tranh toàn cảnh về lục bát đương đại, nên sẽ không tránh khỏi việc bỏ sót những tên tuổi đã có công giữ gìn và làm mới thể thơ giản dị mà đáng yêu này. Và xin được bắt đầu, bằng những tác giả viết Lục bát với tâm tư về cội.

Tuổi thơ thường chan chứa những lời ru của mẹ, của bà. Có lẽ, Lục bát đã thấm vào tâm hồn người Việt từ thủa mỗi chúng ta còn rất bé. Dù rằng thời xưa, khổ lắm! Quanh năm ăn cơm gạo hẩm độn khoai. Nhưng bù lại cũng có những niềm vui cho riêng mình, không như trẻ con bây giờ cuộc sống đầy đủ, nhưng tâm hồn khát khô tiếng à ơi ngọt lịm. Tuổi thơ tôi có Ngoại, những lúc giã trầu thường hát Trống quân và Chèo cổ. Bẵng đi gần hai mươi năm sau ngày Ngoại mất, vắng những cái giậm chân thay phách, vắng tiếng hát bồng bềnh. Gặp được tập thơ “Chênh chao tích Chèo” của Khúc Hồng Thiện, đã đưa tôi về với ấm áp của không khí hội làng xưa, ngay bài thơ đầu đã gọi lại những gì thao thiết ngỡ đã “bặt tin”:

“Làng mình vào hội hay chưa
Để cho Thị Kính bỏ chùa đi xin?
Nô biệt tích, Màu bặt tin
Trăm năm gửi lại oan khiên với đời”

Đọc những câu thơ như thế, dễ nghĩ tác giả là một người tóc đã pha sương, đang lần tìm về địa đàng tuổi thơ đời mình. Nhưng ngạc nhiên! Khúc Hồng Thiện mới đang là một chàng trai 8x – khi các cây bút trẻ đang cuộn trào trên dòng chảy tự do, xuôi về những thể nghiệm mới. Riêng anh vẫn âm thầm, vẫn muối mặn gừng cay với lục bát và những gì tưởng đã cũ lắm rồi:

“phố này từ thủa cha ông
ngoài trăm năm đợi chúng ta hẹn hò”

Khúc Hồng Thiện trong “Chênh chao tích Chèo” đã thể hiện được một phông tư tưởng sớm biết sâu sắc. Có lẽ, với riêng anh, sự đi đến - trong một khía cạnh nào đó - không khác nghĩa tầm nguyên. Một người trẻ với lựa chọn cô đơn của mình đã tự dặn dò bằng Lục bát. Và rủ chúng ta cùng về “làm xanh cổ thụ thế rồi lại xa” bằng những hình ảnh đậm màu hương hỏa “khăn piêu, áo cóm”:

“Mong em về kịp hội xòe
Khăn piêu áo cóm đừng khoe chốn này
Phố phường nghiêng ngả vì say
Làm sao cạn được chén đầy khi yêu”

Chúng ta vẫn đôi lần giật mình về “phong độ thơ” của những nhà thơ tiền bối, với những câu thơ hừng hực hơi thở đương đại. Và ngược lại, có lúc không khỏi ngỡ ngàng về lớp trẻ khi họ viết về những linh diệu ngàn năm, sao mà đẫm đề hương sử. Với Khúc Hồng Thiện, đã phần nào thuyết phục được người đọc, phần nào tỏ lộ được tài thơ, bằng một không gian thơ mênh mang tiếng xưa, nồng nàn màu hoài niệm:

“Vẫn cùng một tiếng nỉ non
mà người ôm nhị đâu còn đẩy đưa

má hồng môi thắm ngày xưa
giờ văng vẳng tiếng chuông chùa thảnh thơi

những xênh, những phách, những lời
dóng lên vài tiếng lại rơi giữa dòng”

Và dường như trong lục bát, anh mới được… thật thà – thật thà với nỗi đau mất Mẹ, và được tự an trong cõi miền trắc ẩn riêng mình:

“Đêm nay mẹ rét lắm không
một mình nằm giữa cánh đồng xa xôi

còn con cũng một mình thôi
từ khi lạc mẹ thành người đa đoan”

Khúc Hồng Thiện đã mang đến cho lục bát trẻ một không gian văn hóa xưa. Nhưng cái thiếu ở cây bút này là chưa khai thác được những hình tượng đương đại, và trong lục bát của anh vắng thiếu những thủ pháp lạ. Mong rằng, ở những tác phẩm mới của anh, những sự thiếu vắng đó sẽ dần được hoàn thiện hơn.

Cùng với Khúc Hồng Thiện, những tác giả trẻ khác như Hoàng Anh Tuấn cũng đã thể hiện được điều đáng quí là sự chắt chiu những hình thức văn hóa xưa:

“Tò he xanh đỏ tím vàng
Mẹ mua mỗi độ chợ làng vào phiên
Chim cò, ngũ quả, cô tiên...
Nhỏ xinh đánh đổi nỗi niềm tuổi thơ”

Nguyễn Đức Phú Thọ cũng duyên dáng không kém với những hình ảnh nền nã:

“Tôi về cởi áo ca dao
Lời thương em nhặt bên rào bỏ quên”

Với Nguyễn Lãm Thắng thì đã “về cội” với một cách khác, anh đã nương vào nét mộc mạc của lục bát, để gửi vào đó những trăn trở giàu tính nhân văn, bằng một lối thơ chân phương, dung dị, nhưng thấm đẫm tình người:

“Tuổi bốn mươi chị làm dâu
Bàn tay run, mẹ têm trầu đêm qua”

Ở góc độ làm mới lục bát, có nhiều tác giả đã tạo được nhiều thể nghiệm mới. Trịnh Sơn - người viết rất ít Lục bát, nhưng Lục bát của anh có cái lối ngắt nhịp gây hẫng là lạ và cái chất siêu thực đến mức ám ảnh:

“Tử ơi Tử còn trăng không
bán cho một nắm thắp lòng qua đêm
đau điên máu đỏ đổi tên
- trắng chi mà trắng Vĩ ?
em
- dạ
Buồn”

Nỗi đau trong lục bát Trịnh Sơn cũng ám ảnh, những câu thơ như tiếng “xé lụa”, như róc những mảnh thịt da nhạy cảm ra khỏi cốt tủy:

“Tử ơi Tử
quỷ hay người
bán cho một nắm biển cùi lở xưa”.

Cấu trúc ngôn ngữ trong lục bát Trịnh Sơn có nhiều nét mới, anh chủ động tạo nên một sự khúc khuỷu trong tổ chức từ ngữ, nhằm tạo hiệu ứng từ sức biểu cảm của từ:

“Nguyệt khuya khua guốc ngang trời
Rượu tràn nước mắt chảy hời hợt Giêng”

Trong lục bát Trịnh Sơn, sự trúc trắc của ngôn ngữ sắp đặt “gõ” vào cảm nhận người đọc trước, ý tứ là cái đến sau, ngỡ ngàng làm đầy cảm hiểu. Vì thế, đọc một bài lục bát Trịnh Sơn phải không ít hơn hai lần thì mới tìm thấy được cảm xúc trọn vẹn:

“Có mùa xuân cũ chưa qua
Đã tàn khúc chậm Chạp hà hơi Giêng
Mé đìu hiu tình sướng rên *
Một ngày như một mình ênh suối nguồn
Một ngày như một luôn luôn

(* Một ý của nhà văn Duyên Anh - theo Trịnh Sơn).

Với nhà thơ Hương Đình, vốn là một tiến sĩ toán học – anh đã đi từ “Ngậm ngùi” xưa của Huy Cận đến với “Ngậm ngùi nay” của chính anh bằng một khoảng cách… toán học. Với thói quen tư duy người ban Toán, anh đã… số học hóa những nỗi niềm, tạo nên một cá tính thơ có màu riêng:

“Nắng chia nửa bãi
nửa bãi mưa nhòe
vườn hoang trinh nữ đi về
véo von

Tơ rách
Nhện rơi 1 con
99 con chim mộng hết hồn
hót ran

Thương đau chín rụng mấy mùa
100 trái cấm bỏ bùa cho sư”.

Một blogger có cái tên lạ: “Không Danh Phận” - lạ như Lục bát của tác giả này, anh còn có một bút danh khác là Thuận Nghĩa, một người Việt tha hương. Thuận Nghĩa với chuỗi lục bát dài hơi: “Níu Xưa Lục Bát Đôi Câu” đã thật sự để lại trong lòng những người yêu lục bát nhiều ấn tượng đẹp, anh đưa vào lục bát một ngôn ngữ chỉ thấy được ở Thuận Nghĩa - một ngữ điệu thơ lạ:

“rút mây đan cái ngảo chiều
hứng thu nhốt rọ khỏi rêu rao vàng
bệt ngồi vạt chớm mùa sang
nhìn con én dại cuối ngàn lạc bay”

Ta đọc thấy trong Lục bát Thuận Nghĩa một tư duy thơ rất riêng, trong cách tư duy ấy anh đã đưa được cái chất - phi - lý của tiểu vũ trụ Thuận Nghĩa dung hòa được với cảm hiểu người đọc một cách tài tình, bằng cách táo bạo, lấy những động từ “chẻ - chuốt” ghép vào những cái không thực thể “ngày”,“tiếng chuông”:

“chẻ tiếng chuông chuốt thành ngày
trang kinh xé xếp thành bầy chim di
thả trôi sông sóng rầm rì
bọt rêu vỗ vả tìm về bến tơ”

Có thể nói, trong những người viết Lục bát hiện nay, Thuận Nghĩa là người hiếm hoi có được sự toàn diện. Lục bát của anh vừa giàu các thủ pháp mới lạ, ngôn ngữ đẹp và cùng lúc đẫm màu triết lý. Có lẽ những thăng trầm của cuộc đời đã cho Thuận Nghĩa một khối trải nghiệm đồ sộ - điều đó đã mang đến cho thơ anh cái mà những tác giả trẻ tuổi chưa thể có ngay được là tính triết lý – một triết lý nhẹ và sâu:

“đành thôi đập vỡ cuộc chờ
khẩy tìm cái hạt bất ngờ trong nhau
bạn ơi nhẹ mũi dao sau
máu hồng không nhuộm bạc đầu thành xanh

đừng em chặt nhánh đốn cành
thương anh cắn cỏ ngậm vành ngày xưa
có bao nhiêu ấy cho vừa
bao nhiêu cho đủ cuộc đùa nhân gian”

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, thật khó để nói hết về chuỗi lục bát “Níu Xưa Lục Bát Đôi Câu” của Thuận Nghĩa – có thể xem đây như một cách để dành lại cho sự tìm đọc của các bạn yêu lục bát.


Với những tác giả nữ, âm vị của lục bát dường như luôn vừa vặn với những tiếng khúc khích của những cô gái chưa chồng, còn ở cái tuổi siêng mộng lười mơ. “Thúy Cỏ”, một tác giả nữ còn rất trẻ, rất xinh xắn với những từ láy, điệp âm:

“Níu vào cái dửng dừng dưng
Ngẩn ngơ nhạt đóa phù dung. Chớm mùa”

Lục bát “Thúy Cỏ” hiền lành như một cô gái mới lớn, nhưng sớm biết trắc ẩn - nó gợi cho người đọc một mơ hồ về nỗi truân chuyên của những hồng nhan, mà từ xa xưa nàng Kiều đã gặp, bạc phận đã mặc sẵn từ sâu thẳm thiên tư:

“Thời gian khô xác rong rêu
Chếnh cha chếnh choáng lời yêu cũ mèm
Cơn mơ thòng lọng vào đêm”

Và trong “hơi thơ” của tác giả nữ trẻ này, một chất “đàn bà” đâm đẫm, đã bắt đầu hé lộ - hứa hẹn trong một tương lai không xa Lục bát của “Thúy Cỏ” sẽ có nét riêng mang, kín đáo tỏ bày những nỗi niềm thầm kín của thân phận đàn bà:

“Vỡ rồi!
Biêng biếc giọng cười
Dớn da dớn dác đôi lời mà chi
Ngả nghiêng...
Ướt mí nhu mì
Em ghen cháy cả xuân thì. Bỏng môi!”

Vũ Thanh Hoa qua bài “Lục bát @” đã khơi ra một hình ảnh mới, chứa đựng nỗi niềm của người đàn bà đương đại, đã thôi không còn quẩn quanh trong bếp núc nữa mà đôi khi cô đơn lạc trên bàn phiếm, màn hình máy tính xanh xao như giao diện mới của những thân phận đàn bà:

“em ngồi sắp xếp chiêm bao
Off mùa hò hẹn
Save vào
từng File
cuộc tình ngắn
cuộc tình dài
dư âm
đồng vọng
hình hài tình nhân”

Lục bát của Nguyên Nguyên lại cho người đọc thấy một khía cạnh khác rất độc đáo, chỉ thấy được trong dáng thơ Lục bát. Đó là nói đấy mà như… không nói gì – không nói gì để mà cho cái khơi khơi tự thú:

“Xếp đầy vào đáy hòm vơi
Theo chân lá đổ qua thời sơ sinh
Mùa vui độ lỡ nhật trình
Nhung nhăng đến đoạn hiển vinh thì về”

Lê Thị Kim Sơn cũng rất nhu mì với những nỗi phiền trong thơ, nỉ non như tiếng côn trùng giữa lòng đêm thiếu nữ:

“Đêm nông tiếng dế khóc hờ
Tình sâu hun hút vật vờ cỏ non
Xuân còn mấy nỗi cỏn con
Phù dung giăng ngõ véo von bóng người
Phấn son ngày ấy đã lười”

Có thể nói, cái hay của Lục bát nữ không ở sự táo bạo về mặt thủ pháp, nhưng có thể thấy được trong họ sự tinh tế, nhạy cảm mà khó có được ở những tác giả nam. Với Vũ Thu Huế là một quay quắt với những bao dung đầy nữ tính, hạnh phúc trong Lục bát của Huế, cũng mang màu cam chịu:

“Về đi
người của em thương
sao đi đi mãi
dặm trường bể dâu
về đi
xoan tím vườn sau
ngàn nưa đã mỏi
am sầu
sầu riêng”

Một tác giả nữ khác, có cái tên rất gợi là “Rêu”, cũng đã mang nỗi buồn nhẹ tênh vào Lục bát, thơ Rêu cũng như cái tên của cô, nghe buồn trơn. Dù đôi khi cô vẫn dặn người “Giữ cho mình một chút vui. Chút lấn cấn, chút ngậm ngùi, anh nhe!”. Nhưng đọc lục bát của Rêu, níu đâu cũng ngã nỗi niềm rêu riêng:

“Ẩn trong đôi mắt buồn tênh
Là ngàn lời nói bỏ quên cõi người
Bởi còn vướng lửng nụ cười
Là môi hoa đó biếng lười, chừa chưa?

Hình như lòng vẫn chưa yên
Đời buồn se
tiếng thở phiền
đa đoan”.

Với Lê Vi Thủy, thì có vẻ rụt rè với Lục bát. Dù rằng với thể thơ tự do, Lê Vi Thủy đã xuất hiện trong làng thơ với một sự nhạy cảm hiếm có, bằng những hình tượng rõ nét tâm tình đương đại, nhưng “em Pleiku” lại rất cẩn thận để cuối cùng đã “bỏ buông” với Lục bát:

“Dấu vào sâu thẳm bâng khuâng
Chiều cơn mưa đổ sao không chớp nguồn
Bỗng dưng chiếc lá bỏ buông”

Sau bài “Rêu biếc”, Lê Vi Thủy thật thà rằng sẽ… không làm Lục bát nữa! Có thể đây chỉ là câu nói đùa, nhưng cũng xem như là sự kính ngưỡng của một người trẻ với phong thể Lục bát – tuy giản dị đấy, nhưng để thành “thơ” sao mà khó vô cùng. Ở đây, cần ghi nhận một thật thà đầy trách nhiệm ở Lê Vi Thủy, khi thấy mối tiên cảm của mình không có được cái “duyên” với lục bát. Khác với sự cẩu thả của một số tác giả đã tầm thường lục bát, vốn rất linh thiêng…

Lục bát là một nét văn hóa của cha ông ta để lại. Chúng ta vẫn biết, sau khi đi qua những đổi thay, Văn hóa luôn là cái lõi nguyên tuyền còn lại – những gì gọi là “phủ nhận”, “đập phá”, “đào thải” của dòng chảy sử tính, chỉ có tính chất đẽo gọt đi những mảng bám hủ tục phía ngoài cái lõi quí giá ấy. Lục bát như là sự nguyên tuyền đó - sẽ mãi không bao giờ mất đi. Xin ghi nhận những tác giả đã chọn lục bát để dấn thân, nhất là những tác giả trẻ - một con đường dấn thân rất khó. Lục bát vốn không trao cho người viết trẻ nhiều cơ hội để làm mới - táo bạo quá thì làm hỏng phong thể Lục bát, kinh viện quá thì chỉ lập lại những lối đi đã sáo mòn. Cấu trúc của Lục bát vốn giản dị, nhưng lại có khả năng dung chứa mọi thủ pháp thi ca và có thể chuyên trở được tâm tình đương đại với một âm vị đầy chất Việt. Nhưng để làm mới được Lục bát, cần rất nhiều tìm tòi, tâm huyết, có khi “một sự nghiệp thơ” của một đời người vẫn chưa đủ. Vì thế, thật vui khi thấy những tác giả của chúng ta vẫn đang nắm tay nhau cùng viết Lục bát, mỗi người mỗi vẻ, lấp lánh trên bầu trời thơ Việt. Xin lấy một câu Lục bát của cụ Bùi Giáng, để thay lời cám ơn những tác giả đang mỗi ngày gìn giữ và làm mới Lục bát, họ như “Rừng ong đổ mật lại đời nhân gian”.

miên di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét